Thích trang
    Trở thành fan của Tanchau123.blogspot.com

    Bạn muốn nhận tin tức mới nhất từ Tanchau123.blogspot.com? Hãy nhấn nút "Thích" bên dưới để nhận thông tin mới nhất từ chúng tôi trên Facebook.

T

a

n

chau123

Blog Giải Trí Tổng Hợp

trang chủ
Báo lỗi bài
    Báo lỗi thông tin bài viết

    Nhập thông tin báo lỗi vào ô bên dưới

Bạn trẻ - Cuộc sống 10:20 ngày 8/11/14

Cô bé lớp 3 có 2 năm làm... giáo viên ở Quảng Nam

Thân hình gầy gò, nước da đen nhẻm, nhưng nụ cười và đôi mắt em sáng ngời. Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng em đã có “thâm niên” làm giáo viên được hai năm. Khoảng thời gian không quá dài, nhưng nó cũng đủ làm những người dân ở đây thầm cảm phục tấm lòng, cũng như nghị lực của cô “giáo viên nhí” Hoàng Anh.
Cô giáo trình độ... lớp 3 và lớp học cho học sinh... lớp 1

Một ngày cuối tháng 10, từ TP.Đà Nẵng, chúng tôi vượt gần 100km lên huyện miền núi Tiên Phước của tỉnh Quảng Nam. Tiết trời giao mùa, những cơn mưa bất chợt như làm cho chặng đường càng trở nên dài hơn. Vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, gần ba tiếng đồng hồ sau, chúng tôi có mặt tại xã Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước). Trong chuyến công tác này, điều làm chúng tôi đặc biệt ấn tượng đó là lời kể của người dân nơi đây về một cô giáo “tí hon” dạy chữ miễn phí cho học trò nghèo.

Từ lời kể chắp vá, rời rạc của những người dân, chúng tôi ngược về xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước), nơi “cô giáo nhí” đang sinh sống và học tập. Từ đầu thôn, chúng tôi đã hỏi thăm nhiều người về cô bé có cái tên Huỳnh Hoàng Anh (ngụ xã Tiên Thọ) nhưng không ai biết rõ. Mãi đến khi được cho biết rằng, đó là cô bé dạy chữ miễn phí cho học sinh nghèo thì lập tức... ai cũng hồ hởi chỉ đường. Một người dân còn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà Hoàng Anh.
Chân dung cô “giáo viên nhí” Huỳnh Hoàng Anh
Trong cơn mưa lâm râm của núi rừng Tiên Phước, căn nhà của Hoàng Anh thật nhỏ bé và đơn sơ. Nhà được dựng bằng những tấm gỗ cũ kỹ, mái tranh nhiều chỗ đã dột nát. Cửa nhà mở trống hoác nhưng không có ai ở nhà... Theo hướng dẫn của người hàng xóm, chúng tôi đến nhà cô ruột của Hoàng Anh ở cách đó không xa.

Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thanh (53 tuổi, hiện đang dạy học tại trường tiểu học Tiên Thọ) vừa là giáo viên, đồng thời là cô của Hoàng Anh cho biết: “Mỗi dịp hè là tôi lại mở lớp dạy kèm cho các em học sinh và trẻ khuyết tật tại địa phương. Cách đây hai năm, Hoàng Anh cũng tham gia lớp học này. Trong quá trình học, tôi quan sát thấy em rất thích kèm cặp thêm cho bạn học yếu. Đặc biệt, em rất có “khiếu” làm giáo viên, hơn nữa em còn học giỏi và rất chững chạc. Vì thế, tôi quyết định để cho Hoàng Anh chuyển sang “đứng lớp” dạy các bạn nhỏ tập viết, tập đọc”.
Cô Nguyễn Thị Thanh tận tình hướng dẫn “cô giáo” Hoàng Anh cách giảng bài
Nói về quá trình Hoàng Anh trở thành “cô giáo” của gần 10 em nhỏ trong thôn, cô Thanh chia sẻ: “Mặc dù chỉ mới học lớp 3, nhưng Hoàng Anh rất sáng dạ. Tôi chỉ cần hướng dẫn qua một lần là em đã nhớ cách giảng bài. Ban đầu, tôi để em phụ mình “quản lý” lớp học. Nhưng sau đó, tôi giao cho em đứng dạy hẳn một lớp gồm 5 em lớp một và 3 em khuyết tật”.

Cứ thế, từ năm 2012 đến nay, cứ mỗi dịp hè về là “cô giáo” Hoàng Anh lại cắp “giáo án” sang nhà cô Thanh dạy chữ. Buổi sáng các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, “cô giáo nhí” dạy cho các em học sinh bình thường, còn buổi chiều em kèm cho bốn em học sinh khuyết tật đánh vần, tập viết. Hoàng Anh chia sẻ với chúng tôi rằng, các bạn học sinh ở đây ai cũng nghèo giống em, có bạn đi học cả năm trời mà chỉ có một bộ quần áo. Vì thế, em muốn giúp các bạn cùng tiến bộ. Hơn nữa, mỗi lần em dạy chữ cho các bạn là thêm một lần em học bài.

Những tấm gương bình dị

Khi được hỏi về “cô giáo tí hon” Hoàng Anh, các bạn bè, đồng thời là “học sinh” đều dành cho em những tình cảm đặc biệt. Và hơn ai hết, những bậc phụ huynh thì vô cùng phấn khởi. Cảm phục trước tấm lòng thơm thảo của cô Thanh và Hoàng Anh, chị Nguyễn Thị Bé (trú thôn 8, xã Tiên Lộc) kể: “Cô Thanh theo nghề giáo đã hơn 20 năm nay và bao nhiêu năm qua, mỗi khi hè về là cô lại dành hết thời gian để dạy kèm cho các em học sinh và trẻ khuyết tật ở địa phương. ở đây đa số là người nghèo nên trẻ con đi học cũng thiệt thòi. May nhờ có cô Thanh và cháu Hoàng Anh, hai người nhiệt tình, hết lòng dạy con chữ cho học sinh mà không hề lấy tiền bạc gì”.

Cô Thanh và Hoàng Anh dẫn chúng tôi quay trở về căn nhà gỗ nơi đầu con dốc để thăm góc học tập của “cô giáo nhí”. Trong căn nhà xập xệ chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường và cái bàn học nhỏ. Cô Thanh xót xa cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình Hoàng Anh rất bi đát. Ba em mang trong mình nhiều căn bệnh nên mất sức lao động. Thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh, chạy khắp xóm, có khi còn xé tập vở của em. Nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên những lúc tỉnh táo, ba em vẫn gắng gượng cùng với mẹ Hoàng Anh đi làm thuê để kiếm tiền đong gạo. Ngoài ra, ông bà ngoại của Hoàng Anh cũng già yếu, bệnh tật”.

Chính vì hoàn cảnh đáng thương của học trò mà cô Thanh coi Hoàng Anh như con. Ngoài giờ học ở trường, cô tranh thủ kèm thêm cho em tập viết, tập đọc và học tiếng Anh. Về phần Hoàng Anh, mặc dù thua thiệt nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng em vẫn cố gắng chăm ngoan, học giỏi, ba năm liền là lớp trưởng của lớp 3A (trường tiểu học Tiên Thọ).

Chị Nguyễn Thị Mỹ Xa (36 tuổi, trú thôn 8, xã Tiên Thọ), mẹ của Hoàng Anh nghẹn ngào chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi vì không có cái chữ nên mới nghèo khổ suốt bao năm nay. Vì vậy, dù có khó khăn như thế nào, chúng tôi cũng cố gắng để cho con được đến trường. May mắn là Hoàng Anh siêng năng, chăm chỉ, được thầy cô bạn bè yêu thương, quý mến. Ngoài ra cháu còn được cô Thanh kèm cặp cho đi “dạy”. Nghe nhiều người trong xóm khen ngợi, tôi vui lắm, đó là nguồn động lực to lớn của gia đình tôi”.
Những tấm giấy khen của Hoàng Anh được gia đình coi như “báu vật”
Ước mơ thành bác sỹ

Trò chuyện với chúng tôi, Hoàng Anh hồn nhiên khoe những tấm giấy khen mà em đã đạt được trong ba năm học qua. Hoàng Anh thật thà cho biết: “Cô Thanh đã dạy em rằng muốn dạy người khác nghe thì trước hết là con phải cố gắng học thật giỏi. Em rất thích làm cô giáo, vì làm cô giáo sẽ dạy chữ được cho nhiều bạn nghèo, không có tiền đi học”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về ước mơ trở thành một cô giáo tương lai, cô bé 9 tuổi lại ngập ngừng hồi lâu: “Em ước mơ làm cô giáo. Nhưng so với nghề giáo viên thì em vẫn thích làm bác sỹ hơn... Sau này, em sẽ học thật giỏi để trở thành bác sỹ để về chữa lành bệnh cho ba, cho ông bà”. Vừa dứt lời, cô bé nhìn về phía chiếc giường đặt ở góc nhà, nơi ba của em đang ngồi thẫn thờ. Giọt nước mắt chợt lăn dài trên gò má...

Chúng tôi chia tay cô Thanh và Hoàng Anh khi trời đã nhá nhem tối. Những cơn mưa miền sơn cước như nặng hạt hơn. Bóng dáng những em bé ngược con dốc để trở về nhà sau một ngày học tập in đậm trọng tâm trí người viết. ở miền đất nghèo khó này, con chữ đối với Hoàng Anh và các em quả thật nhọc nhằn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những con chữ, những ước mơ hôm nay mà cô giáo Thanh và “cô giáo” nhỏ Hoàng Anh đã cần mẫn gieo trồng ngày mai sẽ đơm hoa kết trái...
Theo Nguyễn Hưng

Mới cập nhật

Bình luận

· Thêm biểu tượng cảm xúc
Chọn "Nhận xét với tên: Ẩn danh" hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận