Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị sán phổi. Có những trường hợp ho lâu ngày, ho ra máu chỉ đi điều trị lao nên khi đến viện, những con sán đã ăn rỗng hết cả phổi.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Tâm là điển hình. Ông nhập viện trong tình trạng ho nhiều, ho ra máu kèm theo đờm. Có lần, ông ho ra cả cục máu tươi đỏ hỏn, có lúc máu màu đỏ rỉ sắt. Ông Tâm đi khám ở bệnh viện lao phổi, bác sĩ nghi ngờ ông bị sán phổi vì chụp phim thấy phổi bị tổn thương.
Món tôm, cua đồng nướng nguy hiểm
Ông được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, tại đây, các bác sĩ làm xét nghiệm đờm và dịch màng phổi phát hiện ông bị sán lá phổi. Cả ổ sán nằm trong phổi ăn rỗng cả phổi khiến phối bị tổn thương gây ho ra máu và thi thoảng có triệu chứng sốt. Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ đã soi đờm phát hiện rất nhiều trứng sán trong đờm và màng dịch phổi.
Ông Tâm cho biết ông không ăn đồ sống, gỏi. Cách đây một thời gian, ông đi công tác ở Ngổ Luông, Hòa Bình được bà con ở đây mời ăn món cua suối nướng. Khoảng 3 tuần sau, ông bắt đầu bị ho và xuất hiện ho ra máu.
Còn trường hợp của bé Bùi Thị Hoa trú tại Nghệ An được gia đình đưa ra bệnh viện điều trị với tình trạng ho ra máu. Soi đờm phát hiện nhiều trứng sán. Lúc này, bác sĩ phát hiện cả ổ sán trong phổi của em Hoa. Gia đình Hoa cho biết họ thường sử dụng món tôm nướng than hoa cho bữa cơm gia đình. Có nhiều khả năng khi ăn tôm nướng, bé đã ăn phải con tôm có chứa nang sán chưa được nấu chín nên nhiễm sán phổi.
Không nên ăn các loại mắm cua sống
Thạc sĩ Hà cho biết sán lá phổi về hình thái thường có đặc điểm như dài 8-16 cm, chiều ngang 4-8 mm, dày 3-4 mm, có màu nâu đỏ và giống như hạt cà phê, vỏ sán có những gai nhọn, có hai hấp khẩu bụng và miệng, các ống ruột là những ống ngoằn ngoèo, lỗ sinh dục ở gần hấp khẩu bụng. Trứng sán có nắp màu sẫm dài 0,8-1 mm.
Trứng của sán lá phổi có vỏ mỏng nên tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém, nhiệt độ ánh sáng mặt trời trên 70 độ C sẽ làm hỏng trứng. Tuy nhiên, trứng sán muốn phát triển thành ấu trùng phải có môi trường nước, nếu trên cạn trứng sẽ hỏng và không phát triển được, khả năng tồn tại của sán lá phổi trưởng thành ở ngoại cảnh cũng rất kém.
Tác nhân gây bệnh ngoài vật chủ chính là người, các động vật và gia súc khác cũng là nguồn chứa mầm bệnh sán lá phổi như chó, mèo, hổ, báo, chó sói, chồn, chuột...
Phương thức lây truyền của bệnh sán lá phổi người hoặc động vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như cua nướng, mắm cua. Sau khi ăn ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.
Khi nhiễm sán lá phổi, khoảng 2 tuần sau nhiễm trong huyết thanh bệnh nhân đã xuất hiện kháng thể kháng sán lá phổi. Sán lá phổi trưởng thành ít đẻ trứng, khả năng phát hiện trứng trong đờm và dịch màng phổi rất khó khăn. Hiện nay, các bác sĩ chẩn đoán bệnh sán lá phổi bằng kỹ thuật miễn dịch ELISA.
Để phòng chống bệnh sán lá phổi, thạc sĩ Hà khuyên không ăn các loại tôm, cua sống. Các món ăn đều phải nấu chín. Vệ sinh môi trường, không khạc nhổ bữa bãi nhất là đờm của người bệnh.
Bệnh sán lá phổi được Kerbert tìm ra đầu tiên ở động vật là hổ. Năm 1995, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố sự lưu hành bệnh sán lá phổi ở 39 nước trên thế giới. Năm 1968, John Cross cho rằng có khoảng 194 triệu người trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh sán lá phổi, đặc biệt là Trung Quốc, Lào và Triều Tiên.
Ở Việt Nam, bệnh sán lá phổi được xác định lưu hành ít nhất ở 8 tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An; có nơi tỷ lệ nhiễm tới 15% (Sơn La). Loài sán lá phổi mới chỉ xác định ở Việt Nam là Paragonimus heterotremus.
Theo Khánh Ngọc
ghê quá, nhiều việc bây giờ không lường trước được
Trả lờiXóa